Văn hoá tín ngưỡng
8 điều đặc biệt cần phải làm để tháng cô hồn hoàn toàn không tác động đến bạn
Tháng cô hồn thực hiện những điều kiêng kị là chưa đủ để tránh các điều xui xẻo, nếu muốn thuận lợi tất cả bạn cần phải thực hiện 8 điều đặc biệt nên làm này.
Theo quan niệm dân gian thì tháng 7 Âm lịch hàng năm được gọi là tháng cô hồn và cho rằng thời điểm này các thế lực “ma quỷ hoạt động mạnh nhất”, khiến chúng ta dễ gặp hiểm hoạ, xui xẻo. Với mong muốn mọi điều bình an và tâm lý "có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên nhà nhà người người chỉ chú tâm vào các hoạt động cúng lễ, đi kèm với các vật phẩm mang tính mê tín như đốt vàng mã, xe hơi, nhà lầu... Mà không biết rằng, tháng cô hồn hay tháng “xá tội vong nhân” còn mang ý nghĩa nhân văn hơn, bởi đây còn là dịp cầu an, phóng sinh và đề cao việc Báo hiếu, làm phúc bố thí… đó cũng chính là các việc mang đến cho bạn sự may mắn trọn vẹn.
Chính vì thế, để tránh gặp bất lợi thì trong tháng Cô hồn, mọi người nên thực hiện 8 điều đặc biệt nên làm sau đây:
1. Thực hiện các điều kiêng kị
Theo kinh nghiệm dân gian đúc kết thì có rất nhiều việc cần phải kiêng kị để giữ cho bản thân, trong đó đặc biệt là các việc như: Nếu đi đâu thì bạn nên đi về sớm. Không mặc đồ màu trắng, đồ in hình kỳ quái. Nên đi nhẹ, nói khẽ tránh làm kinh động...
Nếu đi về muộn bạn nên đi nhanh và không nhìn lại phía sau.
2. Nên làm lễ cúng cô hồn
Theo quan điểm của Phật giáo thì việc cúng cô hồn là thể hiện lòng từ bi, bố thí cho các chúng sanh trong ác đạo được no đủ. Do đó, bạn chỉ cần chuẩn bị một mâm cỗ thanh đạm, trong đó có cháo trắng, một ít muối áo, các loại hoa quả nhỏ, khoai sắn, mía... và một chút giấy tiền mã để an ủi các cô hồn. Bạn có thể cúng bất cứ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, theo phong tục miền bắc thì sẽ cúng trong trước ngày rằm, còn người miền nam thì lại chọn cúng sau ngày rằm cho đến cuối tháng.
Đồ cúng cô hồn nên chọn món thanh đạm.
3. Lưu ý khi thực hiện việc cúng cô hồn
Việc cúng cô hồn nhằm chia sẻ cho những linh hồn không may, cơ nhỡ đang phải chịu tội phạt hay thiếu thốn mà phải lang thang vất vưởng. Vì thế bạn nên bày mâm cỗ cúng ở ngoài đường, trước hiên nhà. Sau khi cúng xong phải nhớ rắc muối gạo để cung tiễn cô hồn. Nếu trước nay, gia dình chưa cúng cô hồn bao giờ do không có điều kiện thì không cúng luôn, chớ nên cúng rồi lại bỏ. Đặc biệt lưu ý: Chỉ mời cô hồn thọ thực, tuyệt đối không được cầu xin bất cứ điều gì khi cúng.
Nên bày mâm cỗ cúng ở ngoài đường, trước hiên nhà.
4. Giữ tâm bình khi cúng lễ
Theo tục lệ thì việc nhà bạn cúng cô hồn sẽ có nhiều người đến tranh nhau giật đồ cúng, sự việc có thể xảy ra ngay cả khi bạn chuẩn bị mâm cỗ mà chưa kịp thắp nhang khấn vái. nếu gặp trường hợp này bạn đừng tỏ sự phẫn nộ, giận dữ mà làm mất đi công đức của mình. Hãy bình tĩnh buông thả đồ cúng, mỉm cười... bởi vi khi chủ nhân chưa làm lễ cúng mà đã có người chực chờ để giật thì đây là điềm báo tốt.
Đừng giận dữ khi có người cướp đồ cúng.
5. Thăm non mộ phần người thân
Cũng giống như ngày Thanh minh, nhiều người giữ tập tục đến thăm phần mộ, hũ cốt người thân đã mất, vì tháng 7 cũng là dịp Vu Lan Báo Hiếu của những tín đồ Phật giáo. Nên thực hiện các nghi thức cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, nội ngoại gia tiên đã quá vãng. Việc làm này mang ý nghĩa tâm linh tưởng nhớ công ơn của ông bà cha mẹ đã quá vãng và nhắc nhớ con cháu về cội gốc ơn nghĩa sinh thành.
Cầu siêu cho người thân là việc nên làm trong tháng 7 âm lịch.
6. Nên ăn chay, hạn chế sát sanh
Nhân rằm tháng 7, bạn nên thực hiện việc ăn chay và hạn chế sát sanh. Việc làm này không chỉ giảm bớt nghiệp cho chính bản thân mà còn mang tính nhân đạo, tôn trọng mạng sống của muôn loài và đó cũng là ý nghĩa nhân văn mà người xưa để lại.
Hãy đổi bữa với những món chay thanh đảm.
7. Nên làm nhiều việc thiện, phóng sanh
Nếu bạn có điều kiện thì hãy mở kho bố thí, chia sẻ phần quà cho những hoàn cảnh sống khó khăn... Bởi vì chúng ta có lòng với những cô hồn thì sao không giúp đỡ cho những người còn đang sống và đó là cách để tích giữ phúc đức.
Nên mở kho bố thí giúp đỡ người khó khăn trong điều kiện của mình.
8. Nên tránh các cuộc xung đột
Người xưa dạy: "Hoạ từ miệng mà ra". Trong tháng 7 âm lịch, mọi người kiêng kị khá nhiều nên tâm lý nhiều khi có phần bị ức chế, dẫn đến khi xảy ra việc sẽ nhanh chóng biến thành sự xung đột lớn. Để tránh gặp hoạ không đáng có thì bạn nên tránh xa các cuộc cãi vã này. Nên ăn nói nhã nhặn, hoà nhã đối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để giữ hoà khí tốt nhất. Còn bằng ngược lại thì chưa thấy cô hồn gây hoạ thì bạn đã dính phải hạn từ "cô hồn sống" rồi.
Tránh xa những cuộc xung đột để gặp phải hoạ. (Ảnh minh hoạ)
Suy cho cùng thì vì việc ai gặp phải cái xui hay hên là do nghiệp của mình đã tạo thì phải trả, không nhất thiết tháng nào. Thế nhưng, những việc nên làm trên ít nhiều sẽ giúp tất cả chúng ta giữ được sự an nhiên trong lòng, sống tốt và gặp nhiều thuận lợi hơn trong những ngày của tháng cô hồn - tháng của người Âm. Và không chỉ riêng tháng cô hồn mà kể cả mọi thời điểm trong năm, những điều trên vẫn luôn đúng đắn và có ý nghĩa tốt đẹp.