Văn hoá tín ngưỡng
Cách cúng Rằm tháng 7 đúng nhất: Nghi thức, đồ cúng và những điều lưu ý
Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào, gồm những gì là câu hỏi rất nhiều người quan tâm. Bài viết được kết hợp giữa phong tục cổ truyền với các giáo lý tôn giáo sẽ mang đến cho bạn những thông tin đầy đủ nhất.
Bên cạnh yếu tố tháng cô hồn, thì tháng 7 âm lịch còn có một ngày lễ quan trọng của người Việt đó chính là Tết Trung Nguyên - Rằm Tháng 7. Trong ngày lễ này, mọi nhà thường sắm sanh phẩm vật để dâng cúng Chư vị thần linh, Ông bà tổ tiên và Cúng thí thực cho các cô hồn không nơi nương tựa.
1. Ý nghĩa của việc cúng Rằm tháng 7
Theo giáo lý Phật giáo thì khi một người qua đời thì tuỳ theo nghiệp lực sẽ đầu thai, chuyển kiếp sang 1 trong 6 đường luân hồi là cõi trời, cõi người, cõi Atula, cõi súc sinh, cõi quỷ đói và cõi địa ngục. Vì chúng ta là người trần không thể nhìn thấy mọi sự việc bằng mắt thường nên không thể biết thân nhân của mình sau khi qua đời sẽ bước vào cảnh giới nào trong lục đạo. Do đó, phong tục người Việt từ ngàn xưa đã thực hiện các buổi cúng cơm trong các dịp lễ tết, giỗ chạp... với mong muốn trước là cầu nguyện cho gia tiên được siêu thoát, sau là tưởng nhớ đến tổ tiên quá vãng thông qua việc bày mâm cơm cúng.
Cúng rằm tháng 7 mang nhiều ý nghĩa tâm linh của người Việt.
Theo đó, thì ngày Rằm tháng 7 nhân tiết Vu Lan và cúng là ngày "xá tội vong nhân" nên con cháu trong mỗi gia đình đều tâm niệm sắm sanh lễ vật để dâng cúng cúng thần linh, cầu siêu cho gia tiên, và còn có lễ cúng bố thí cho các cô hồn không nơi nương tựa.
2. Cúng Rằm tháng 7 như thế nào mới đúng?
Theo quan niệm dân gian cho rằng, ngày rằm tháng 7 là dịp các các vong linh được xá tội, cửa ngục được mở, cha mẹ, ông bà, tổ tiên quá vãng có thể về nhà để nhận sự hiếu kính của con cháu... Vì thế mà con cháu tổ chức buổi cúng kiến với mâm cao, cỗ đầy, đồ vàng mã mua thật nhiều, thật hiện đại để thể hiện sự hiếu lễ.
Nhưng, theo quan điểm của Phật giáo thì đây là việc làm không mang lại lợi lạc cho tổ tiên mà còn gieo thêm nghiệp dữ cho cả người đã thác lẫn người sống vì việc sát sinh cùng với sự hao tài tốn của trong việc đốt vàng mã mà không mang lại lợi ích gì. Vì thế, việc cúng rằm tháng 7 trước hết phải xuất phát từ tấm lòng thành kính của mình. Không cúng những lễ vật mang tính vật chất để cầu khấn, vì điều đó tỏ cái tâm của người vụ lợi.
Tục lệ đốt đồ mã cúng cô hồn, chúng sinh.
3. Cúng Rằm tháng 7 chuẩn bị những gì?
Trong phạm vi bài viết này dựa theo phong tục truyền thống của người miền Bắc, kết hợp với những giáo lý nhà Phật. Theo đó, mọi nhà có thể chọn bất kỳ ngày nào để tiến hành cúng rằm trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến 14/7 âm lịch.
Trong ngày này, tuỳ theo truyền thống của mỗi nhà mà có thể chuẩn bị 2, 3 hoặc 4 phần lễ gồm: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực cô hồn).
Cúng Phật
Đối với những gia đình theo đạo Phật thì chuẩn bị phần lễ cúng tuỳ điều kiện, có thể là mâm cỗ chay, hay giản dị là phần xôi chè, hoa trái. Lễ Phật không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng 7.
Cúng Thần linh và Gia Tiên
Theo phong tục người miền bắc thì ban thờ Thần linh thường chung với Tổ tiên, vì thế gia chủ chuẩn bị một mâm cơm tuỳ theo điều kiện của gia đình sẽ có những món ăn khác nhau, có thể là mâm cỗ mặn hay mâm cỗ chay. Cùng với đó là có những món đồ vàng mã để đốt cho gia tiên, nhưng theo xu thế ngày nay thì việc đốt vàng mã không nên khoa trương quá và tránh lãng phí.
Lễ cúng Phật, Thần linh và Gia tiên nên tiến hành vào thời điểm buổi trưa từ 10h00 - 12h00.
Mâm cỗ cùng Thần linh và Gia Tiên.
Cúng Chúng sinh
Cúng chúng sinh, cúng cô hồn là một hoạt động tâm linh mang tính nhân văn cao, nhằm bố thí cho những người khuất mày, kẻ khuất mặt được thọ hưởng những đồ ăn thức uống. Lễ vật cúng chúng sinh gồm có: Cháo trắng, muối gạo, bánh kẹo, các loại trái cây nhỏ như ổi, cóc..., mía chặt khúc, khoai lang, ngô, sắn luộc, bỏng ngô, snack... Kèo theo là đồ mã cúng chúng sinh gồm những bộ quần áo giấy nhỏ và tiền vàng mã.
Lưu ý đầu tiên khi chuẩn bị đồ cúng cô hồn ngày rằm tháng 7 đó là mâm cúng này cần được thực hiện ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà, thực hiện vào buổi chiều từ 16h00 trở đi. Sau khi cúng xong phải lấy muối và gạo rải xuống đường khắp các hướng để tiễn cô hồn đi.
Mâm lễ cúng chúng sinh Rằm tháng 7.
4. Các bài văn cúng rằm tháng 7
Bấm vào đây để xem trọn bộ 3 bài văn cúng rằm tháng 7 gồm: Cúng thần linh, Cúng tổ tiên và Cúng chúng sinh
Trên đây là những hướng dẫn cách cúng Rằm tháng 7 tại nhà đầy đủ nhất và phù hợp với truyền thống của người Việt đồng thời dung hoà được các quan điểm của Phật giáo. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mong rằng với sự thành tâm của gia chủ và sự chuẩn bị cúng lễ thành kính sẽ mang lại lợi lạc cho cả người còn người mất và các loại chúng sanh cũng nhờ công đức này mà siêu sinh chuyển kiếp.