Kiêng kỵ trong tháng cô hồn - nên hay không?
Văn hoá tín ngưỡng
  • TVPT

Kiêng kỵ trong tháng cô hồn - nên hay không?

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng 7 là mọi người lại truyền tai nhau các mẹo hay nhằm tránh những điều được cho là xui xẻo trong tháng cô hồn. Vậy tháng cô hồn có những gì liên quan, nên hay không nên kiêng kị điều gì... chúng ta cùng tìm hiểu khái quát nhé.

Trước tiên chúng ta phải hiểu rằng, tháng cô hồn và những vấn đề xoay quanh nó cho tới nay chỉ là truyền thống được đúc kết từ nhiều thế hệ mà thành, không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học hay minh chứng nào. Chuyện kiêng kỵ trong những ngày này đơn thuần là thói quen xuất phát từ tâm lý chung “có thờ có thiêng” của người Việt.

Quan niệm dân gian xưa nay cho rằng, Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm khi Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan cho ma quỷ tự do đi xin ăn trên dương thế là ngày xá tội cho các vong nhân. Tên gọi tháng cô hồn ở một vài nơi cũng xuất phát từ lý do đó. Một bộ phận không nhỏ khác gọi Rằm tháng 7 là “Tết quỷ” nhưng thực chất đây là khái niệm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo dân gian người Việt thì đây chính là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”.

Kiêng kỵ trong tháng cô hồn - nên hay không?
Theo quan niệm dân gian, mọi người khi qua đời sẽ trải qua kiếp sống ở địa ngục.

Người Việt xưa nay quan niệm, con người khi sinh ra vốn dĩ có hai phần - hồn và xác. Khi mất đi, phần hồn vẫn còn tồn tại, chỉ những người khi còn sống ăn ở thiện lương, phúc đức thì được đầu thai thành kiếp khác, ngược lại những người tạo nghiệp, tà ác khi chết sẽ bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói và chịu nhiều hình thức tra tấn khủng khiếp. 

Do đó, cứ đến ngày Rằm tháng 7 (tức 15/7 Âm lịch) hằng năm, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi khắp bốn hướng, mà thông thường là trở về tìm gặp gia đình, bạn bè với mong muốn được giúp đỡ để sớm được siêu thoát. Sau 12 giờ đêm ngày này thì tất cả ma quỷ phải quay trở về địa ngục. Đây là lý do mà cứ vào Rằm tháng 7 các gia đình Việt thường bày mâm cúng các vong linh để tránh sự quấy nhiễu.

Kiêng kỵ trong tháng cô hồn - nên hay không?
Người xưa cho rằng, rằm tháng 7 là ma quỷ tự do đi khắp bốn hướng nên gây ảnh hưởng cho người sống.

Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng các điều kiêng kị là một tập tục được người xưa đúc kết và truyền miệng từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Chúng ta có thể tham khảo và thực hiện nhưng tránh sa đà, mê tín hay hoang phí trong việc cúng bái và đốt tiền vàng, rồi quá đà trở thành hiện tượng mê tín dị đoan.

Về phần kiêng kị, người Việt Nam quan niệm tháng cô hồn là tháng của ma quỷ, không may mắn nên không phù hợp với việc khai trương, mua bán, cưới hỏi hay làm ăn lớn,… Theo đó, những cấm kỵ trong tháng cô hồn cũng được truyền tai nhau cho đến hôm nay và dần trở thành phong tục riêng của dân tộc. Chẳng hạn như không treo chuông gió ở đầu giường, không ăn vụng đồ cúng, không phơi đồ ở ngoài trời vào ban đêm, không chụp ảnh hay hô lớn tên nhau vào ban đêm, hạn chế đi bơi,…

Kiêng kỵ trong tháng cô hồn - nên hay không?
Cuộc sống hiện đại, mỗi chúng ta cần biết những điều gì thích hợp để đón lành, tránh dữ và bỏ qua những tục lệ mang tính mê tín.

Tuy vậy, một số người cho rằng, trong số đó có một số điều kiêng kỵ không có căn cứ, một số khác lại xuất phát từ những đặc điểm thời tiết của tháng 7. Đây là tháng mưa nhiều không thuận lợi cho việc tổ chức cưới xin, khởi công hay đi xa. Cũng vì lý do thời tiết nên việc bơi lội hay phơi đồ ngoài trời cũng dễ dàng ảnh hưởng tới sức khoẻ của bản mệnh. Đồ cúng đặt ngoài trời sẽ nguội lạnh, nếu ăn vào sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ. Còn nhiều điều kiêng kị khác nhưng có lẽ chỉ phù hợp với điều kiện cuộc sống ngày xưa còn hạn chế...

Như vậy, theo hiện thực đời sống hiện đại và suy nghĩ của thế hệ mới thì việc nên hay không nên kiêng kỵ trong tháng cô hồn, chúng ta đã có những suy nghĩ mới mẻ và thực tế hơn. Việc tin vào những điều tâm linh sẽ có lợi cho chính chúng ta, giúp chúng ta thêm phần an tâm cũng như có những lợi lạc nhất định. Tuy nhiên không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những thứ chưa được khoa học chứng minh, cũng đừng quá hoang mang khi chẳng may gặp những điều không thuận ý, mà hãy lạc quan đón nhận và khắc phục một cách thoải mái nhất. 

Kiêng kỵ trong tháng cô hồn - nên hay không?
Theo quan điểm Phật giáo, cúng chúng sinh nhân rằm tháng 7 mang một ý nghĩa nhân văn và có lợi lạc rất lớn.

Trên đây là những thông tin mở đầu cho loạt bài viết liên quan đến tháng 7 âm lịch - tháng mà dân gian gọi là tháng Cô hồn nhưng cũng là tháng Vu Lan Báo Hiếu của những người theo Phật giáo quan. Tuviphongthuy.net sẽ tiếp tục mang đến cho các bạn những thông tin liên quan theo đánh giá hiện đại với mong muốn chúng ta ai cũng có một cái nhìn lạc quan hơn mà vẫn thu được lợi lạc cho chính bản thân. Và quan trọng nhất, chúng ta cần biết rằng không chỉ riêng trong tháng cô hồn mà mọi thời điểm trong năm, việc chăm làm điều thiện và sống tốt sẽ đưa con người đến gần hơn với giá trị chân - thiện - mỹ.