Nguồn gốc, ý nghĩa của tập tục đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Văn hoá tín ngưỡng
  • TVPT

Nguồn gốc, ý nghĩa của tập tục đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp

Một trong những ngày tết quan trọng nhất trong năm của người Việt là tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Nhưng để biết tường tận nguồn gốc và hiểu cho rõ mọi điều lợi lạc khi làm lễ đưa ông Táo về trời thì có thể bạn chưa rõ, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Theo tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc Việt Nam, vào ngày 23 tháng chạp hàng năm - trước những ngày bước sang năm mới là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, bao gồm tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của mọi thành viên trong từng gia đình một cách khách quan, trung thực.

Nguồn gốc, ý nghĩa của tập tục đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Ngày 23 tháng Chạp, ông táo sẽ cưỡi cá về trời tình tấu tất cả sự thật với Ngọc Hoàng thượng đế.

Ông Công ông Táo là các vị thần chủ quản trông nom cuộc sống của từng gia đình. Thần Táo quân có ba vị định đoạt phước cho cả gia đình, gồm một bà Táo và hai ông Táo. 3 vị sẽ sống chung với chủ nhà trong suốt một năm để hỗ trợ mọi thành viên những điều thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, lễ cúng Táo quân mang ý nghĩa chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, sau thời điểm này, người dân sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một năm mới đang đến gần.

1. Nguồn gốc của tục cúng ông Táo

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, sau khi du nhập vào Việt Nam đã được các cụ từ xưa chuyển thành huyền tích “2 ông 1 bà”, đó là các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp. Thông qua hình tượng 3 vị thần này, mà người xưa muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một gia đình phải có đủ Đất - Nhà - Bếp và mối tương quan giữa Bếp là bản nguyên của Nhà khi người nguyên thuỷ có lửa và đều dự trên nền món là Đất.

Nguồn gốc, ý nghĩa của tập tục đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Theo quan niệm của người Việt, ông bà Táo chính là các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp.

Trải qua hàng ngàn năm lưu truyền thì người dân Việt truyền miệng rồi ghi chép lại từ đời sang đời sau với nguồn gốc Táo Quân có từ sự tích được tóm tắt như sau:

Trọng Cao và Thị Nhi là đôi vợ chồng đã chung sống lâu năm với nhau nhưng vẫn không có con, do đó nảy sinh đau buồn, thường xuyên cãi vả. Hôm nọ, vì chuyện chẳng đáng mà Trọng Cao giận quá đánh vợ khiến Thị Nhi phải bỏ nhà ra đi. Cô nàng lang thang đến xứ khác thì gặp và phải lòng Phạm Lang, sau đó kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, khi nguôi giận thì ân hận và quyết định lên đường đi tìm vợ.

Số tiền đem theo đã hết trên đường đi tìm vợ nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Duyên cớ làm sao lại đưa anh chàng vào đúng nhà Thị Nhi. Nhận ra chồng cũ, Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người hàn huyên chuyện cũ, nàng tỏ lòng ân hận vì lỡ lấy Phạm Lang. Phạm Lang trở về bất ngờ, Thị Nhi liền bảo Trọng Cao trốn trong đống rơm ngoài vườn. Nhưng anh chồng về nhà liền đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên chết thiêu.

Thấy vậy, Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy chồng cũ chết trong đống rơm do mình bảo trốn, cảm thấy có lỗi nên liền nhảy vào đó để chết theo. Phạm Lang cũng vậy, anh chàng thấy tình cảnh bất ngờ, không biết xử trí ra sao nên cũng nhảy vào đống lửa theo vợ. Linh hồn cả ba người được đưa lên trời, thấy họ đều là những người có tình có nghĩa nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người đảm nhận một việc:

+ Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
+ Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
+ Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.


Không chỉ là một sự tích, chuyện Táo Quân còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bàn thờ ông Táo thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ "Định Phúc Chi Thần". Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công ông Táo", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.

2. Ý nghĩa của tục cúng ông Táo

Như vậy Táo Quân, theo truyền thuyết, là vua bếp, gồm táo bà và hai táo ông. Việc thờ thần bếp ở mỗi gia đình là tín ngưỡng có từ xa xưa, ý mong muốn một cuộc sống luôn đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu, quý trọng nhau.

Ngoài ra, việc cúng ông Táo nhằm đề cao tầm quan trọng của bếp lửa trong mỗi gia đình. Bếp lửa ngoài công dụng nấu nướng thì nó còn là nơi cả gia đình quây quần hạnh phúc bên nhau. Các gia đình xưa luôn có bếp lửa trong nhà, ngày nào mà lửa không cháy thì ngày ấy gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương. Chưa kể, các lễ hội xưa nay bao giờ cũng gắn với nghi thức thắp lửa thiêng.

Nguồn gốc, ý nghĩa của tập tục đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Ban thờ ông Táo được đặt ở vị trí trang trọng trong bếp với mong muốn cuộc sống đủ đầy của gia chủ.

Và thông qua sự tích và tập tục này, người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Việc thờ cúng ông Táo chính là tự nhắc nhở bản thân luôn phải sống đúng, làm đúng vì bất cứ chúng ta làm việc gì cũng có thần linh soi chiếu.

3. Lễ vật cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Người Việt Nam sống dọc lãnh thổ từ Bắc chí Nam nên có những phong tục cúng ông Táo hàng ngày và ngày 23 tháng Chạp khác nhau. Nếu như người miền Bắc không có ban thờ cúng ông Táo riêng, thì người miền Trung và miền Nam lại đặt trang trọng một khu vực trong bếp để thờ 3 vị Táo với bài vị chữ đỏ. 

Theo đó thì cũng theo vùng miền thì người dân cũng có mâm lễ và cách thức cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp khác nhau, nhưng dù là đơn giản hay phức tạp thì mâm cúng lễ ông Táo của mỗi gia đình người Việt cũng đều thể hiện lòng thành kính và mong muốn cho một năm mới bình an, sung túc.

Nguồn gốc, ý nghĩa của tập tục đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Nghi thức cúng ông táo là nét đẹp truyền thống cần được giữ gìn của người Việt.

Chi tiết về Tập tục cúng ông Táo: Bấm vào đây

Chi tiết về Cách thức cúng ông Táo: Bấm vào đây

Nhìn chung, người Việt qua các đời đều quan niệm ba vị Thần Táo chủ định đoạt hung - cát, phúc đức của gia đình. Và dĩ nhiên, mức độ phúc đức sẽ tuỳ thuộc vào những việc làm của gia chủ lẫn các thành viên trong nhà. Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người người nhà nhà lại làm lễ tiễn đưa Táo Quân về chầu trời một các nghiêm trang, chu đáo với tất cả thành ý, những mong được ghi nhận về các việc làm tốt đẹp, thiện lương.