Văn hoá tín ngưỡng
Tháng cô hồn 2018: Những khái niệm cúng kiến và mốc thời gian bạn cần biết
Theo quan niệm dân gian xưa nay, tháng 7 Âm lịch còn được gọi là tháng cô hồn. Tuy nhiên, những khái niệm liên quan đến tháng cô hồn thì không phải ai cũng biết.
Không riêng gì tại Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia khác thuộc châu Á đều coi tháng cô hồn là tháng 7 âm lịch, theo đó đây là tháng dành cho người cõi âm, người đã khuất, người chết oan uổng không có người thờ cúng.
Người xưa tương truyền rằng, mỗi con người đều có một vòng luân hồi chuyển kiếp, thế nhưng có những người khi chết đi thì vong hồn bị mắc kẹt tại dương gian do nghiệp mang trong mình còn nặng, không thể đầu thai được. Và những vong hồn đó phải chịu cực khổ đói khát nên cần phải cúng gạo, cháo, muối hối lộ để chúng không quấy phá cuộc sống của những người sống.
Tháng cô hồn và những khái niệm bạn nên biết.
Còn theo quan niệm Phật Giáo thì "tháng cô hồn" hay tháng “xá tội vong nhân” lại mang một ý nghĩa nhân văn hơn. Đây là dịp thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.
Vậy thời điểm bắt đầu và kết thúc của tháng cô hồn năm 2018 là gì và bàn về những điều cấm kỵ trong tháng này ra sao, tất cả đã được giải đáp trong những điều dưới đây.
1. Thời điểm bắt đầu và kết thúc của tháng cô hồn 2018
Trước tiên phải lưu ý rằng, đây là những quan niệm tâm linh của dân gian được truyền lại từ hàng trăm năm qua. Theo đó, người xưa cho rằng tháng 7 Âm lịch là lúc mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để cho những vong hồn có thể tự do đi lại, bắt đầu từ mùng 1 tháng 7, đây cũng chính là thời khắc “âm khí xung thiên”. Những vong hồn này sẽ trở về Địa ngục trước ngày 30/7 bởi lúc này cửa ngục sẽ đóng.
Quan niệm dân gian cho rằng, địa ngục mở cửa cho các vong hồn từ 1 - 30/7 âm lịch hàng năm.
Và theo đây, tháng cô hồn trong năm 2018 tính theo Dương lịch sẽ rơi vào ngày 11/8 (tức 1/7 Âm lịch) và kết thúc vào ngày 9/9 (tức 30/7 Âm lịch). Trong đó, ngày 15/7 là ngày rằm - Tết Trung Nguyên, ngày Xá tội vong nhân, rơi vào thứ bảy ngày 25 tháng 8 năm 2018.
2. Lễ cúng cô hồn
Như đã nói trên, quan niệm "tháng cô hồn" là do dân gian truyền bá từ rất lâu và chưa có bất kỳ chứng mình từ khoa học hay tôn giáo. Trong tháng cô hồn, tuỳ theo từng tục lệ địa phương mà mọi người sẽ tổ chức các buổi lễ cúng cô hồn theo thời gian khác nhau như người miền bắc cúng từ mùng 1 đến 14 âm lịch, còn người miền nam thì cúng từ 16 âm lịch đến hết tháng. Do đo, hoàn toàn không có việc cố định phải cúng đúng ngày nào hay phải tranh thủ cúng kẻo địa ngục đóng cửa...
Lễ cúng Cô Hồn là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
Có thể nói, cúng Cô hồn có xuất phát từ các nghi thức cúng Thí Thực của Phật Giáo - đây là một nghi thức mang tính nhân văn nhằm phát tâm chia sẻ, bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và nói trại đi thành cúng Cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
Việc cúng Cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó. Ngài A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”. A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…
Nghi thức cúng thí thực của Phật giáo mang ý nghĩa bố thí cho ngạ quỷ (quỷ đói) được no đủ.
Tục cúng Cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng Cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như: Tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc Cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).
3. Thực hiện những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn
Không phải tự nhiên mà nhiều người quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng của những điều không may, tai hoạ và muôn vàn rắc rối. Ông bà ta cũng nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do đó những việc kiêng kỵ trong thời điểm này sẽ chẳng bao giờ là dư thừa. Việc tin vào những điều tâm linh sẽ có lợi cho chính chúng ta, giúp chúng ta thêm phần an tâm cũng như có những lợi lạc nhất định.
Có những điều cần phải kiêng kị trong tháng cô hồn.
Tuy nhiên không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những thứ chưa được khoa học chứng minh, cũng đừng quá hoang mang khi chẳng may gặp những điều không thuận ý. Bởi theo quan niệm của Phật giáo cũng như các nhà tử vi, phong thuỷ thì không có ngày nào là tốt hoàn toàn, cũng chẳng có ngày nào là xấu hoàn toàn, tháng nào trong năm cũng có ngày tốt và ngày xấu, ngày nào trong tháng cũng có giờ xấu và giờ tốt.
Chẳng những thế, mỗi chúng ta sẽ có những phần phúc lộc riêng và nhân quả khác nhau, đó mới là nguyên nhân chính chi phối đến vận mệnh mỗi người. Do đó, không hẳn là ai cũng sẽ gặp xui xẻo, tai hoạ trong tháng của người âm.
Hãy làm những hạnh lành như bố thí, làm phước... trong tháng cô hồn.
Như vậy, biết được thời gian và những điều không nên làm trong tháng cô hồn năm 2018 sẽ giúp bản thân chúng ta chủ động hơn trong việc phòng tránh một phần nào đó những điều tiêu cực ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, không nên hoàn toàn tin tưởng vào những vấn đề tâm linh để dẫn tới mê tín dị đoan và nhiều hệ luỵ khác. Thay vì làm những việc vô nghĩa, chúng ta nên dành thời gian chăm lo làm điều thiện, sống ý nghĩa để cải thiện cuộc sống của bản thân mình hơn.